Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Quê mình trong “Mùa xuân đầu tiên"của Văn Cao


Trần Thị Trường

(Toquoc)- Mỗi độ xuân về, nghe bài hát đó tôi vẫn thấy cái cảm giác của “mùa xuân đầu tiên” trong lòng mình và không thể không vang lên: “Từ nay người biết quê người...Từ nay người biết thương người...”

Năm 1981, trong lúc chúng tôi chuẩn bị đón Tết cổ truyền Việt Nam ở Sofia, thủ đô của nước Bulgari xinh đẹp với một nỗi nhớ nhà khôn cùng thì các bạn người Bulgari gõ cửa, bước vào. Các bạn mang theo cây đàn măng-đô-lin và ác-coóc-đê-ông để cùng chia sẻ cuộc liên hoan đón chào năm mới của Việt Nam.

Thật ngạc nhiên, khi thấy các bạn có một tập sách nhạc (của NXB Mascơva ấn hành năm 1977), trong đó có một bài của tác giả Việt Nam, đó chính là “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao (sau này tôi mới biết, Văn Cao viết bài hát này năm 1976 và chưa được phổ biến ở trong nước).

Trong tiếng đàn của những người bạn chúng tôi hát:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông gà đang gáy trưa
Bên sông một trưa nắng vui cho bao tâm hồn... ”

Nếu ai đã từng đi xa quê hương, từng lận đận chiến tranh, từng không được đón những mùa xuân như mơ ước của lòng, sẽ thấy rất rõ ý nghĩa của “mùa bình thường”. Không chỉ chúng tôi, những người Hà Nội xa quê mà quây quần trong thời khắc chuyển mùa, của giao thừa ấy còn có những người trở về sau cuộc chiến (1975) của Việt Nam và những người Nga, thế hệ sau còn mang đậm dấu ấn cuộc chiến 1917...

Những hình dung của những người bạn ấy có thể không giống như hình dung của chúng tôi về “gà đang gáy trưa” nhưng có vẻ như hoàn toàn trùng hợp cảm xúc với những thi ảnh “khói bay trên sông”... “dặt dìu mùa xuân theo én về”...

Chúng tôi lại cùng hát:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh giọt rơi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh...”

Một điệu Valse của niềm vui mùa xuân có vẻ như đặc biệt nhất của người nhạc sĩ- thi sĩ từng viết Quốc ca này. Có lẽ sự nghiệp Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã đem tới tâm hồn Văn Cao một mùa xuân như ông từng mong mỏi.

Trong sự nghiệp âm nhạc của ông, người ta có cảm giác, cảm hứng nghệ thuật hầu hết được bắt nguồn từ mùa thu mặc dù ông có “Bến xuân”, có “Sông Lô” nhắc đến xuân: “...Mùa xuân tới, nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh bóng tre”, có “Serénatte mùa xuân” với“ ... lắng nghe mùa xuân. Tiếng chim nào vui. Bao mùa xuân đã qua. Nay mùa xuân tới đây...” và “Trong màu xuân đời tôi”... nhưng mùa thu vẫn in dấu sâu đậm hơn trong thơ ca và âm nhạc của nghệ sĩ đa tài này. Tuy nhiên, “Mùa xuân đầu tiên” tràn ngập tiếng lòng ông.

“Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người....”

Giai điệu như thể nói thay lời, những người bạn Nga và Bulgari cùng hát tiếng Việt với chúng tôi, rồi chúng tôi cùng hát tiếng Nga với họ. Mắt nhìn mắt, tay nắm tay chúng tôi như say trong khí xuân, sắc xuân và trong tình yêu thương đầm ấm. Một anh bạn vẽ lại bức ảnh chụp của Văn Cao bằng một nét bút sắt. Rất tài tình, Văn Cao qua nét vẽ của anh, gầy gò râu tóc nhưng có điều gì đó vừa tiên phong đạo cốt của bậc chính nhân quân tử vừa thánh thần dịu hiền.

Nỗi nhớ nhà vơi đầy. Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao trở nên mùa xuân đầu tiên trong lòng mỗi người hát nó, tùy theo tâm sự và nỗi trải nghiệm riêng của từng cá thể có mặt trong lúc đón xuân này.

8 năm sau, khi tôi đã về sống ở Hà Nội đến nghe “Đêm nhạc Văn Cao” ở một Nhà hát nhỏ nằm trên phố Hàng Bạc và cảm nhận “Mùa xuân đầu tiên” với nhiều cảm xúc khác nhau, trong đó có nỗi nhớ mùa xuân ở phương trời tuyết trắng, nhớ những người mắt rưng rưng hát tiếng Việt ca từ của Văn Cao.

Và cũng năm ấy, tôi thấy NXB Trẻ xuất bản tuyển nhạc Văn Cao trong tập “Thiên Thai” có bài “Mùa xuân đầu tiên”. Thế là sau 12 năm kể từ khi nó được sinh ra cho đến khi phổ biến rộng rãi cùng với nhiều bài hát nổi tiếng khác của nhạc sĩ Văn Cao song mỗi độ xuân về nghe bài hát đó tôi vẫn thấy cái cảm giác của “mùa xuân đầu tiên” trong lòng mình và không thể không vang lên “Từ nay người biết quê người...Từ nay người biết thương người...

Không có nhận xét nào: