Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Ngộ nhận về khoa học

<...>
PV: Ông cho rằng hiện nay, ở ta vẫn còn nhiều sự ngộ nhận và hiểu lầm về khoa học (KH). Vậy nguyên nhân sâu xa là ở đâu?

- KH không phải là sản phẩm của nền văn hoá phương Đông mà được du nhập từ bên ngoài vào. Ban đầu ta không hiểu rõ nó là điều bình thường. Nhưng tôi băn khoăn là chúng ta hội nhập với thế giới đã nhiều năm rồi, lẽ ra những ngộ nhận về KH đã phải được giải đáp từ lâu. Mục đích của hoạt động KH hướng đến những khám phá nhận thức mà hoàn toàn không có mục đích ứng dụng. Những khám phá vật lý học dẫn đến các phát minh công nghệ là hệ quả bất ngờ đối với chính các nhà vật lý.

Thành quả công nghiệp hoá nền kinh tế khiến cho cộng đồng các nhà KH được xã hội tôn vinh và Nhà nước quan tâm đến công việc của họ nhiều hơn; nhưng cũng chính vì vậy mà sinh ra sự lẫn lộn giữa KH và công nghệ (CN) khiến cho xã hội chỉ kỳ vọng ở các nhà khoa học sự đóng góp vào ứng dụng CN mà thôi.

Hoạt động KH thời nay đòi hỏi nhiều thiết bị tốn kém do ngân sách nhà nước gánh vác mà ở các chế độ dân chủ được xem là tiền đóng thuế của dân chúng. Các nhà KH phải thuyết phục công luận về tính hữu ích của dự án KH. Tuy nhiên, tính hữu ích của kết quả nghiên cứu KH là không thể "quy hoạch" trước được. Vì vậy đây là một tình thế nan giải. Tình thế này đòi hỏi các nhà KH đầu ngành phải có đạo đức nghề nghiệp rất cao để có thể duy trì hoạt động KH được trung thực.

Vấn đề khó khăn của VN lại có thực chất khác biệt và phức tạp hơn nhiều vì các nhà KH VN hoạt động nghề nghiệp như các viên chức nhà nước trong bộ máy sự nghiệp. Các thủ trưởng của họ là do Chính phủ bổ nhiệm xuống để quản lý họ giống như quản lý các viên chức hành chính. Các vị thủ trưởng ấy thường xuất thân từ các nhà KH, nhưng khi trở thành nhà quản lý thì buộc phải xa rời hoạt động nghề nghiệp vì họ không phải là thánh thần có ba đầu sáu tay để một lúc làm tốt được cả hai công việc. Họ chạy đi chạy lại giữa hai cộng đồng có bản chất nghề nghiệp rất khác nhau.

Rốt cuộc một số nhỏ thích nghi được với công việc quản lý và trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp, danh hiệu nhà KH là chuyện của quá khứ. Họ được xã hội ngộ nhận như là nhà KH thành đạt. Số đông còn lại tiếp tục ở trong trạng thái nhập nhằng và tôi e rằng chính họ cũng không biết mình đang muốn gì.

Thời trước, chúng ta đã có một tầm nhìn xa khi gửi một lớp nhà KH sang Liên Xô đào tạo, với những tên tuổi như GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Phạm Duy Hiển... Nhưng tại sao xã hội lại không cảm nhận được thành tựu mà thế hệ vàng này mang lại, thưa ông?

- Các nhà KH thế hệ chúng tôi không tạo ra được thành tựu gây ấn tượng cho xã hội vì hai lý do. Một là thành tựu mà xã hội kỳ vọng nơi các nhà KH - vốn còn rất non trẻ trong nghề nghiệp - vừa không hợp lý lại vừa không đúng chỗ. Xã hội kỳ vọng các nhà KH đem đến các ứng dụng công nghệ để cải thiện đời sống vật chất cho xã hội.

Nhưng đây là trách nhiệm của những người chi phối nền kinh tế chứ không phải của các nhà KH. Hoạt động KH mang tính chất văn hoá là chủ yếu. Tuy nhiên, các nhà KH thế hệ chúng tôi cũng có trách nhiệm rất lớn trong chuyện này. Chúng tôi đã không nhận thức đúng được thực chất của hoạt động KH. Chúng tôi đã rất cố gắng học tập chuyên môn và nhiều người cũng đạt được những thành tựu nhất định trong nghiên cứu khoa học.

Khó khăn là KH hiện đại bị chia nhỏ thành các lĩnh vực chuyên sâu, khiến cho những người giỏi nhất trong chúng tôi cũng chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Chúng tôi đã không ý thức được một cách minh triết các đặc thù của hoạt động KH để truyền đạt cho thế hệ tiếp sau. Nhiều người trong chúng tôi chân thành mong muốn đáp ứng kỳ vọng "ứng dụng công nghệ" của xã hội dưới mỹ từ "đem KH vào cuộc sống". Họ rời bỏ công việc KH theo chuyên ngành được đào tạo để lao vào các công việc vốn thuộc chuyên ngành khác. Những thất bại của họ không đáng bị chê trách, nhưng phải là những bài học để suy ngẫm.

Chúng tôi đã không nhận thức được rằng nghiên cứu KH chính là một phương diện của bản thân cuộc sống để nhìn ra trách nhiệm của thế hệ các nhà KH đầu tiên là chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo trong việc xây dựng nền KH quốc gia. Dưới các áp lực xã hội chúng tôi đã tự tha hoá mình theo những cung cách khác nhau.

Xin ông nói rõ thêm về các nhà KH thế hệ của ông đã hình thành và hoạt động ra sao?

- Trong hoàn cảnh chiến tranh, chính phủ nước ta lúc đó đã có chủ trương sáng suốt là gửi một số đông học sinh tốt nghiệp phổ thông sang một số nước để đào tạo đại học và sau đại học với tầm nhìn xa cho việc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Năm 1960, nhóm sinh viên đông đảo đầu tiên được gửi đi có số lượng lên đến hàng ngàn. Cần nhớ rằng lúc đó trên toàn miền Bắc số trường trung học có đủ bậc học cho đến tú tài còn đếm trên đầu ngón tay.

Trước đó đã có rải rác một số học sinh được gửi đi đào tạo, nhưng số lượng không đông như vậy. Việc đào tạo như thế được duy trì trong nhiều năm, nhờ đó mà vào khoảng năm 1970, nước ta đã thành lập được một số viện nghiên cứu như Viện Vật lý, Viện Toán học..., các trường đại học đã có một đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản. Vì sao dư luận xã hội hôm nay lại có nhiều ý kiến chê trách đội ngũ này đã không để lại được một di sản có giá trị bền vững cho thế hệ tiếp theo?

Đây là câu hỏi cần phải trả lời một cách cẩn trọng và nghiêm túc, không phải nhằm tìm xem kẻ nào có tội, mà để rút kinh nghiệm cho việc kiến tạo nền KH tương lai. Điều cần thiết là phải hiểu đầy đủ những đặc thù lịch sử của thời kỳ đó.

Đáng tiếc thế hệ ngày nay có vẻ như không hiểu biết gì nhiều về hoàn cảnh lịch sử của thế hệ chúng tôi, hình như họ cứ tưởng rằng chúng tôi đã trải qua cuộc sống trong những điều kiện giống như họ hiện nay. Bức tranh lịch sử về xã hội thời chúng tôi có vẻ như sẽ đi vào quên lãng, giống như thế hệ chúng tôi cũng đã rất thiếu hiểu biết về thời kỳ Pháp thuộc.

Xin cảm ơn giáo sư.
GS Nguyễn Văn Trọng

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Thế nào là TRẺ

Xin giới thiệu bài thơ Youth của Samuel Ullman:

Trẻ

Trẻ không phải là thể trạng mà là trạng thái tâm lý. Đó không phải là việc môi đỏ, má hồng hay đôi chân dẻo dai, mà là sự hăng say, ước mơ cháy bỏng và cảm xúc dạt dào. Nó là sự tươi mát của suối nguồn cuộc sống.

Trẻ nghĩa là khi lòng can đảm vượt qua nỗi rụt rè, thích phiêu lưu hơn sự an nhàn. Người ta không già đi bởi năm tháng mà chỉ già đi vì từ bỏ lý tưởng của mình. Năm tháng có thể làm da nhăn, nhưng tâm hồn chỉ hằn nếp khi bạn không còn lòng nhiệt tình. Lo ngại, ngờ vực, tự ti, sợ hãi và chán chường - là những thứ có thể làm cho người trẻ trở nên già.

Dù sáu mươi hay mười sáu, trong trái tim mỗi người đều có chỗ cho sự ngưỡng mộ điều kỳ diệu, sự háo hức trẻ thơ với điều sắp tới, và sự thú vị với trò chơi cuộc sống.

Chừng nào trái tim bạn còn nhận được tín hiệu của cái đẹp, sự hi vọng, niềm vui, nhận chân được sức mạnh của con người và trời đất thì bạn vẫn còn trẻ.

Khi trái tim bạn đóng kín bởi sự bi quan và nghi kỵ thì bạn đã già, dù ở tuổi hai mươi. Còn khi trái tim bạn vẫn rộng mở đón nhận tín hiệu lạc quan thì bạn vẫn trẻ dù ở tuổi tám mươi.

P.UYÊN

Quê mình trong “Mùa xuân đầu tiên"của Văn Cao


Trần Thị Trường

(Toquoc)- Mỗi độ xuân về, nghe bài hát đó tôi vẫn thấy cái cảm giác của “mùa xuân đầu tiên” trong lòng mình và không thể không vang lên: “Từ nay người biết quê người...Từ nay người biết thương người...”

Năm 1981, trong lúc chúng tôi chuẩn bị đón Tết cổ truyền Việt Nam ở Sofia, thủ đô của nước Bulgari xinh đẹp với một nỗi nhớ nhà khôn cùng thì các bạn người Bulgari gõ cửa, bước vào. Các bạn mang theo cây đàn măng-đô-lin và ác-coóc-đê-ông để cùng chia sẻ cuộc liên hoan đón chào năm mới của Việt Nam.

Thật ngạc nhiên, khi thấy các bạn có một tập sách nhạc (của NXB Mascơva ấn hành năm 1977), trong đó có một bài của tác giả Việt Nam, đó chính là “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao (sau này tôi mới biết, Văn Cao viết bài hát này năm 1976 và chưa được phổ biến ở trong nước).

Trong tiếng đàn của những người bạn chúng tôi hát:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông gà đang gáy trưa
Bên sông một trưa nắng vui cho bao tâm hồn... ”

Nếu ai đã từng đi xa quê hương, từng lận đận chiến tranh, từng không được đón những mùa xuân như mơ ước của lòng, sẽ thấy rất rõ ý nghĩa của “mùa bình thường”. Không chỉ chúng tôi, những người Hà Nội xa quê mà quây quần trong thời khắc chuyển mùa, của giao thừa ấy còn có những người trở về sau cuộc chiến (1975) của Việt Nam và những người Nga, thế hệ sau còn mang đậm dấu ấn cuộc chiến 1917...

Những hình dung của những người bạn ấy có thể không giống như hình dung của chúng tôi về “gà đang gáy trưa” nhưng có vẻ như hoàn toàn trùng hợp cảm xúc với những thi ảnh “khói bay trên sông”... “dặt dìu mùa xuân theo én về”...

Chúng tôi lại cùng hát:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh giọt rơi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh...”

Một điệu Valse của niềm vui mùa xuân có vẻ như đặc biệt nhất của người nhạc sĩ- thi sĩ từng viết Quốc ca này. Có lẽ sự nghiệp Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã đem tới tâm hồn Văn Cao một mùa xuân như ông từng mong mỏi.

Trong sự nghiệp âm nhạc của ông, người ta có cảm giác, cảm hứng nghệ thuật hầu hết được bắt nguồn từ mùa thu mặc dù ông có “Bến xuân”, có “Sông Lô” nhắc đến xuân: “...Mùa xuân tới, nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh bóng tre”, có “Serénatte mùa xuân” với“ ... lắng nghe mùa xuân. Tiếng chim nào vui. Bao mùa xuân đã qua. Nay mùa xuân tới đây...” và “Trong màu xuân đời tôi”... nhưng mùa thu vẫn in dấu sâu đậm hơn trong thơ ca và âm nhạc của nghệ sĩ đa tài này. Tuy nhiên, “Mùa xuân đầu tiên” tràn ngập tiếng lòng ông.

“Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người....”

Giai điệu như thể nói thay lời, những người bạn Nga và Bulgari cùng hát tiếng Việt với chúng tôi, rồi chúng tôi cùng hát tiếng Nga với họ. Mắt nhìn mắt, tay nắm tay chúng tôi như say trong khí xuân, sắc xuân và trong tình yêu thương đầm ấm. Một anh bạn vẽ lại bức ảnh chụp của Văn Cao bằng một nét bút sắt. Rất tài tình, Văn Cao qua nét vẽ của anh, gầy gò râu tóc nhưng có điều gì đó vừa tiên phong đạo cốt của bậc chính nhân quân tử vừa thánh thần dịu hiền.

Nỗi nhớ nhà vơi đầy. Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao trở nên mùa xuân đầu tiên trong lòng mỗi người hát nó, tùy theo tâm sự và nỗi trải nghiệm riêng của từng cá thể có mặt trong lúc đón xuân này.

8 năm sau, khi tôi đã về sống ở Hà Nội đến nghe “Đêm nhạc Văn Cao” ở một Nhà hát nhỏ nằm trên phố Hàng Bạc và cảm nhận “Mùa xuân đầu tiên” với nhiều cảm xúc khác nhau, trong đó có nỗi nhớ mùa xuân ở phương trời tuyết trắng, nhớ những người mắt rưng rưng hát tiếng Việt ca từ của Văn Cao.

Và cũng năm ấy, tôi thấy NXB Trẻ xuất bản tuyển nhạc Văn Cao trong tập “Thiên Thai” có bài “Mùa xuân đầu tiên”. Thế là sau 12 năm kể từ khi nó được sinh ra cho đến khi phổ biến rộng rãi cùng với nhiều bài hát nổi tiếng khác của nhạc sĩ Văn Cao song mỗi độ xuân về nghe bài hát đó tôi vẫn thấy cái cảm giác của “mùa xuân đầu tiên” trong lòng mình và không thể không vang lên “Từ nay người biết quê người...Từ nay người biết thương người...